SSI Research đánh giá thị trường vận tải container đã kết thúc chu kỳ tăng và bước vào giai đoạn điều chỉnh trong năm 2022. Nguyên nhân một phần do chiến tranh Nga – Ukraine đã gây ra một cú sốc về nguồn cung, đẩy giá năng lượng và giá hàng hóa lên cao. Niềm tin người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề do lạm phát tăng cao tại các nước nhập khẩu. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng dần chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ trong thời kỳ hậu Covid-19, khiến nhu cầu hàng hóa vận tải bằng container suy yếu.

Sản lượng container qua các cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng tích cực (tăng 5% trong năm 2022). Tuy nhiên, sản lượng hàng nội địa và quốc tế đều yếu đi kể từ nửa cuối năm 2022…

Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận duy trì tốt đối với ngành cảng biển và logistics.

Bước sang năm 2023, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành cảng biển nhận định đây sẽ là một năm có nhiều thách thức.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nhận định, năm 2023, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều. Lĩnh vực cảng biển của VIMC sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý 4/2022…

Đối với ngành logistics, nhiều chuyên gia cũng nhận định năm 2023 sẽ là một năm nhiều khó khăn và thách thức. Từ giữa năm 2022, ngành vận tải biển “đảo chiều” mạnh, giá cước vận chuyển giảm sâu trở về thời điểm trước đại dịch, từ thiếu vỏ rỗng container để chở hàng, thì cả thế giới dư thừa hơn 6 triệu TEU. Điều đó báo hiệu một năm rất khó khăn cho ngành dịch vụ logistics.

Tại hội nghị thường niên 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, tháng 11/2022, đã có báo cáo gửi Chính phủ, trong đó nêu chi tiết việc các ngành hàng xuất khẩu thế mạnh như dệt may, da giày, nội thất… đang ở tình huống tương đối nghiêm trọng về sụt giảm đơn hàng trong năm 2023. Tình hình chung khá u ám và đến thời điểm này chưa có sự cải thiện…

SSI Research nhận định, năm 2023, nhu cầu vận tải container đối mặt với nhiều khó khăn phía trước. Đơn vị này nhận thấy nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục yếu trong năm 2023 trong bối cảnh lạm phát cao (trong khi thu nhập và tiết kiệm cá nhân giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại), và cơ cấu tiêu dùng tiếp tục dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Ngoài ra, việc giải phóng hàng tồn kho cần ít nhất 2 quý.

SSI Research kỳ vọng nhu cầu vận tải sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại và khôi phục các chuyến bay quốc tế là yếu tố tích cực đáng kể đối với ngành… Sản lượng container qua cảng có thể ở mức thấp trong nửa đầu 2023, đặc biệt tại các cảng nước sâu với lượng tàu chủ yếu đến từ Mỹ và châu Âu…

SSI Research cho rằng các công ty vận tải container và logistics sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng, tuy nhiên, sản lượng kỳ vọng có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu tăng trở lại. Các công ty cảng biển có thể duy trì tốt hơn nhờ giá dịch vụ ổn định mặc dù tăng trưởng sản lượng yếu. Các công ty vận tải dầu khí tham gia vào thị trường cho thuê tàu có thể hưởng lợi từ nhu cầu tàu chở dầu ổn định trong ngắn đến trung hạn, trong khi những công ty hoạt động trên thị trường giao ngay có thể chịu biến động mạnh về giá cước. Phân khúc vận tải hàng rời có thể được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Bên cạnh một số thách thức, khó khăn nêu trên, ngành cảng biển và logistics cũng ghi nhận những triển vọng và thuận lợi mới.

Đến đầu năm 2023, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển Việt Nam đã phát triển được quy mô hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của cảng biển, bờ biển Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư khai thác cảng chuyên nghiệp và các hãng tàu lớn của nhiều quốc gia đã tham gia đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển tại Việt Nam.

SSI Research cho biết, trong năm 2023, hoạt động mua bán, sáp nhập có thể diễn ra sôi động. Cụ thể, Tập đoàn Container Việt Nam đang có kế hoạch mua 49% vốn điều lệ CTCP Vận tải biển Vinaship và công bố mua một bến cảng tại cụm cảng Hải Phòng. Công ty Cổ phần Gemadept có kế hoạch thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ, và bán 24% cổ phần tại cảng Gemalink cho nhà đầu tư chiến lược…

SSI Research cho rằng việc hợp nhất thị trường là một chiến lược tốt để các công ty hoàn thiện chuỗi logistics, tăng năng lực đàm phán và giảm bớt cạnh tranh trong ngành. Do đó, hoạt động mua bán, sáp nhập có thể là chủ đề đáng chú ý trong 2023.

Nguồn tin: https://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/thach-thuc-nao-cho-nganh-cang-bien-va-logistics-trong-nam-2023-206921.html