(Vietnam Logistics Review) Trong nội dung báo cáo của ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tại Triển lãm quốc tế Logistics Thái Lan vừa qua đã đề cập đến sự thay đổi hoạt động logistics trong nền kinh tế số (Digital Economy), phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng đối với công nghệ. Bài viết điểm lại một số thay đổi công nghệ ảnh hưởng lớn đến hoạt động logistics tại Việt Nam.
Chỉ 10 năm trước, khi Việt Nam (VN) chuẩn bị gia nhập WTO, các liên doanh logistics như: Gemadept-DB Schenker, Transimex-Nippon Express, ITL-Kepple Logistics,… mới bắt đầu được thành lập. Thời đó, hầu hết tác nghiệp trong ngành dịch vụ logistics như: lấy vận đơn, đánh máy tờ khai hải quan, kiểm đếm hàng hóa, theo dõi hoạt động của đội xe… chủ yếu được thực hiện thủ công. Sau 10 năm nhìn lại, rõ ràng ngành logistics đã có một bước đi khá dài trong ứng dụng công nghệ, cả ở các cơ quan chức năng lẫn các DN dịch vụ logistics.
Thời dịch vụ hải quan… lên mạng
Từng một thời là đơn vị hành chính công bị than phiền khá nhiều về tình trạng chờ đợi, Hải quan VN đã có nhiều bước tiến trong ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Từ 2014, hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) được chính thức triển khai tại 100% cục và chi cục hải quan, thu hút hơn 60.000 DN tham gia. Cùng với một loạt hệ thống đi kèm như chữ ký số, hệ thống nộp thuế trực tuyến, hệ thống khai hàng hóa trên tàu trực tuyến (e-manifest), thời gian thông quan đã được rút ngắn đáng kể và giảm được nhiều công sức xử lý thủ công. Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã chủ động triển khai kết nối chính thức Cơ chế Một cửa quốc gia với 11/14 bộ ngành, với 37 thủ tục, trên 260.975 bộ hồ sơ và 9.355 DN tham gia; triển khai tiếp nhận 100% hồ sơ tàu biển và thông quan điện tử đối với tàu biển trên địa bàn 9 cục hải quan có lưu lượng hàng hóa XNK lớn, với sự tham gia của hơn 90% hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận.
Theo kết quả từ báo cáo hàng năm về việc thực hiện chỉ số kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017, thời gian thông quan của hàng hóa qua biên giới VN đã được rút ngắn đáng kể, trong top 4 của Đông Nam Á (bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và VN). Cụ thể, thời gian chuẩn bị hồ sơ XNK đã giảm đáng kể (thời gian chuẩn bị hồ sơ NK đã giảm từ 106 giờ đến 76 giờ và thời gian chuẩn bị hồ sơ XK giảm từ 83 giờ xuống còn 50 giờ). Theo khảo sát của Hiệp hội VLA, phần mềm đại lý hải quan là ứng dụng công nghệ được các DN dịch vụ logistics sử dụng nhiều nhất.
Doanh nghiệp logistics: nắm bắt từng “nhịp thở” thông tin
Trong lĩnh vực quản lý kho, các DN khách hàng thật ra không quá quan tâm DN dịch vụ logistics sử dụng giải pháp công nghệ nào, họ chỉ yêu cầu: “khi tôi yêu cầu, các ông cần cung cấp thông tin hàng của tôi đang ở đâu, tình trạng thế nào, một cách đầy đủ, chính xác và… ngay lập tức”. Chỉ gọn lỏn vậy thôi nhưng đằng sau nó là cả một hệ thống thông tin phức tạp được cập nhật đến từng phút. Thế nên, từ chuyện ghi chép tay, nhiều DN đã chuyển sang máy đọc barcode. Barcode cũng có cải tiến, từ barcode 1 chiều lên barcode 2 chiều. Ngày xưa “súng đọc” phải cắm vào máy để lấy dữ liệu thì nay có thể truyền dữ liệu trực tiếp qua hệ thống mạng không dây (wifi) để cập nhật thông tin trực tiếp vào hệ thống quản lý kho WMS. Hệ thống WMS cũng không còn đứng riêng mà đã có thể dễ dàng tích hợp với hệ thống ERP của khách hàng để hỗ trợ công tác cập nhật thông tin tự động, hạn chế tối đa can thiệp của con người, đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu.
Trong lĩnh vực quản lý ICD, bằng những con chip gắn vào từng container, nhà quản lý có thể biết ngay vị trí của từng container, thậm chí nếu cần, có thể biết được nhiệt độ trong từng container. Điều này rất có ý nghĩa đối với các container lạnh để nhà quản lý ứng biến kịp thời nếu nhiệt độ bắt đầu chuyển sang ngưỡng báo động (như bị ngắt điện máy lạnh hoặc máy lạnh bị hỏng). Xâu chuỗi từng thành phần trong chuỗi dịch vụ logistics, từ khi hàng hóa lên tàu xuất bến đến cảng đích, thông quan, đưa về trung tâm phân phối đến khi giao đi cho khách hàng, điểm nhận hàng ngày nay đều có thể theo dõi dễ dàng, nhất quán bằng công nghệ thông tin, từ đó giúp khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn.
Sau 10 năm nhìn lại, rõ ràng ngành logistics đã có một bước đi khá dài trong ứng dụng công nghệ, cả ở các cơ quan chức năng lẫn các DN dịch vụ logistics. |
Doanh nghiệp vận tải: thời đại “chia sẻ”
Trên thế giới, Uber ra đời chỉ cách đây chưa đến 10 năm (từ năm 2008) và đến nay, tác động của Uber đến dịch vụ vận tải hành khách là rất rõ ràng trên phạm vi toàn cầu. Uber cũng đang lấn sân sang dịch vụ vận tải hàng hóa. Sau khi ra mắt ở Texas cách đây vài tháng, Uber Freight hiện đang triển khai tại các khu vực khác của Hoa Kỳ. Uber hiện đang cung cấp ứng dụng có thể giúp xe tải luôn có đầy tải, thay vì thực hiện những chuyến quay đầu xe rỗng. Uber Freight và các tổ chức tương tự sẽ đóng một vai trò quan trọng ở mảng vận chuyển bằng xe nhỏ của thị trường (dưới 1,5 tấn) với hiệu ứng âm thầm hơn so với các loại xe lớn hơn và bị quản lý ngặt nghèo hơn nhiều. Chẳng chóng thì chầy, Uber sẽ có mặt tại Việt Nam và gia nhập vào quá trình thay đổi hoạt động của ngành dịch vụ logistics.
Ở trong nước, giải pháp gọi xe giao hàng, chủ yếu áp dụng đối với các loại xe ba gác, ba bánh cải tiến, xe tải là Ahamove, chủ yếu áp dụng trong khu vực nội thành TP.HCM và Hà Nội. Việc triển khai giải pháp gọi xe tải chủ yếu đến từ các sàn vận tải như: www.trucking.vn; www.sanvanchuyen.vn,… Thậm chí, để tìm kiếm phương tiện vận tải, khách hàng cũng có thể tìm kiếm được phương tiện với giá tốt trên website www.izifix.com. Các ứng dụng này có đặc điểm chung là ra đời trong vòng 3 năm trở lại đây, hướng đến mục tiêu khai thác hiệu quả chiều chạy rỗng của phương tiện, dễ dàng kết nối đến chủ phương tiện vận tải. Trong một tương lai không xa, các DN vận tải lớn nhất có lẻ không phải là các DN truyền thống mà chính là các DN công nghệ.
Do vậy, dù không nói ra nhưng DN dịch vụ logistics vẫn phải tự hiểu chuyện áp dụng, cải tiến hay nâng cấp hệ thống thông tin quản lý là việc cần thường xuyên lưu tâm, không thể mãi dậm chân trong thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng ngày nay.
Trích dẫn nguồn thông tin điện tử: Nam Lâm, “Logistics trong nền kinh tế 4.0”, xem tại: http://www.vlr.vn/vn/news/toan-canh-kinh-te/toan-canh-kinh-te/3373/logistics-trong-nen-kinh-te-4-0.vlr (ngày 18 tháng 10 năm 2017)