(Vietnam Logistics Review) Các nước Đông Nam Á đang tiến hành hợp tác hiệu quả giữa khu vực nhà nước và tư nhân để cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics nhằm thu hút thêm nhiều lợi ích đa quốc gia.
Theo ông Cecile Fruman, Giám đốc bộ phận thương mại và cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới (WB), mức phát triển ngành vận tải ở các nước đang chậm lại, các nền kinh tế ASEAN thể hiện hiệu suất không đồng đều trong năm 2016. Cụ thể: chỉ số của Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Trong khi đó, Indonesia, Việt Nam và Philippines nằm trong top 10 quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn. Tuy nhiên, tất cả các nước ASEAN ngoại trừ Singapore, Myanmar và Campuchia lại trượt hạng trong năm 2016 so với cách đây hai năm.
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ASEAN cần một khoản đầu tư cơ sở hạ tầng hàng năm là 60 tỷ USD đến năm 2020, với hơn 62% dành cho phát triển vận tải và năng lượng. Các nghiên cứu độc lập của Goldman Sachs cho thấy chỉ riêng Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines sẽ cần hơn 550 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong cùng thời kỳ.
Cách biệt logistics trong ASEAN
Theo báo cáo của WB, khoảng cách logistics giữa các nước phát triển nhiều và phát triển ít vẫn tồn tại, các nước thu nhập cao có chỉ số LPI cao hơn các nước thu nhập thấp trung bình là 45%. Jordan Schwartz, Giám đốc WB tại trung tâm phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng Singapore cho biết: “Mặc dù trong các khảo sát trước đây, các nước có hiệu suất thấp đang thu hẹp sự cách biệt, nhưng xu thế này đã đảo ngược trong năm 2016, khoảng cách giữa các quốc gia đứng đầu và cuối danh sách đang dần tăng lên”.
Nhưng chỉ riêng thu nhập không giải thích được hiệu suất, các nước như Campuchia và Myanmar đã cải thiện được hiệu suất logistics, điều này cho thấy sự sẵn sàng cải cách và các chính sách đúng đắn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự linh động trong thương mại xuyên biên giới.
Ông Schwartz nói thêm: “Cơ sở hạ tầng tiếp tục đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo các kết nối cơ bản và quyền truy cập vào các cổng thông tin cho hầu hết các nước đang phát triển. Trong tất cả các nhóm thu nhập, những người trả lời khảo sát cho biết cơ sở hạ tầng đang được cải thiện. Tuy nhiên, trong tất cả các nước ASEAN trừ Singapore và Malaysia, điểm số cho cơ sở hạ tầng thấp hơn điểm tổng thể”.
Theo Max Ward, CEO và nhà đồng sáng lập Open Port – một diễn đàn di động trung lập giúp quản lý chuỗi cung ứng doanh nghiệp trong các thị trường mới, cải thiện kết nối logistics không chỉ trong quốc gia mà còn giữa các nước ASEAN sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị và nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, đây không phải việc dễ. Theo ông Ward, nền kinh tế lớn nhất của Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) là Indonesia chi 26% GDP vào logistics, một trong những mức chi cho logistics cao nhất thế giới. Trong khi đó, cách biệt giá cả hàng hóa giữa các tỉnh ở Indonesia, cũng như những cơ chế logistics kém hiệu quả cản trở sự phát triển và kết nối kinh tế. Tương tự, Thái Lan mặc dù có khả năng tiếp cận dễ dàng với Campuchia, Việt Nam và Lào vẫn chi gần 20% GPD cho logistics.
Vượt qua phân mảnh logistics
Hạn chế về phương tiện tại các cảng trong ASEAN khiến tình trạng ùn tắc tồi tệ hơn, nhưng thách thức lớn hơn nữa là tổng chi phí để đem hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng và việc vận chuyển đường bộ chiếm nhiều thời gian hơn so với xử lý tại cảng. Theo ông Ward, thiếu đường xá ở nông thôn là nguyên nhân kéo dài thời gian vận chuyển và tăng chi phí hoạt động.
Trong mảng logistics và chuỗi cung ứng, vận tải là trung tâm của hiệu suất, nhưng nhiều công ty chưa nghĩ đến phương án quản lý chuỗi cung ứng tích hợp. “Nhiều nhà sản xuất nhỏ sử dụng container chỉ để chất/ dỡ hàng hóa tại cảng chứ không phải là nguồn và đích đến của hàng hóa”, ông Ward nói. Cung và cầu rời rạc trong dịch vụ vận tải khiến các xe tải vận chuyển thường trống ở chuyến về, tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận. Vào thời điểm này, khi khu vực có sự thay đổi lớn trong mảng logistics, ông Ward cho biết các nhà nước ASEAN đã bắt đầu tập trung vào phát triển chính sách và tăng cường đầu tư để cải tạo cơ sở hạ tầng bị bỏ quên.
Nhưng chỉ riêng việc này chưa đủ để các nước ASEAN đẩy mạnh tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Ở Indonesia, Thái Lan và một số nước ASEAN khác, cần phải cải cách quản lý nguồn nhân lực và áp dụng các công nghệ mới để hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.
Theo các nhà phân tích vận tải, mạng lưới vận chuyển đường sắt và hàng không cũng không đầy đủ ở nhiều nước ASEAN. Cùng với việc triển khai các tàu hàng chỉ vận hành trên biển, cảng sẽ cần phải đầu tư vào đường sắt và tương tự cho vận chuyển liên hợp. Các sân bay (ngoại trừ Singapore) cần phải nâng cấp mạnh. Vận chuyển hàng không đang được tăng cường trong ASEAN, nhưng vẫn cần nhiều đường băng và kho hàng mới.
Sau bất đồng TPP
Khi Tổng thống Trump thực hiện lời hứa tranh cử kéo Hoa Kỳ ra khỏi đề xuất Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 12.2016, nhiều nhà phân tích thương mại đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ hơn cho mối quan hệ hiện tại của ASEAN. Theo ông Jonathan Gold, Phó Chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: “Không có TPP, chúng ta chắc chắn cần nhiều hợp tác song phương hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này không chỉ đúng cho các nhà bán lẻ, mà còn cả các nhà vận chuyển nông nghiệp và sản xuất nhỏ”.
Bà Rosemary Coates, Chủ tịch Blue Silk Consulting, nói rằng rất có thể Trung Quốc sẽ bước vào để lấp đầy khoảng trống, trong khi gây ảnh hưởng và thúc đẩy phát triển vận tải của riêng họ trên khắp châu Á. Điều này khiến ASEAN trở nên quan trọng hơn với lợi ích quốc gia Hoa Kỳ. Chúng tôi muốn giúp đỡ các quốc gia khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông “kỹ thuật số”. Bà Coates từng dẫn đầu một hội thảo thiết kế quy trình tại Singapore cho tất cả các nước thành viên ASEAN. Các đại diện chính phủ khu vực nhiều năm nay đã nghiên cứu các đặc tả phần mềm kỹ thuật cho dự án “Single Windows” của ASEAN, được thực hiện để thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho nhập khẩu và xuất khẩu giữa các quốc gia.
“Họ chỉ vừa bắt đầu thiết kế các quy trình vật lý chuẩn để bổ sung cho công nghệ và tôi rất ngạc nhiên vì mức độ khó khăn khi thành lập thỏa thuận chung khu vực, cho dù thuộc tiêu chuẩn nào đi nữa”, bà Coates cho biết. Theo bà, các thành viên ASEAN vẫn đang ở các giai đoạn khác nhau trong phát triển hệ thống logistics. Chẳng hạn như Singapore đã phát triển với các cảng hiện đại và mức độ tin học cao trong quản lý thương mại, trong khi Myanmar thì ngược lại, chỉ mới bắt đầu phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản và các hệ thống máy tính. Bên cạnh đó, bà còn cho biết ảnh hưởng từ bên ngoài và tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và các tổ chức khác cũng rất quan trọng để tiếp tục việc chuẩn hóa thương mại và ổn định khu vực này. Tuy nhiên, thật khó trong thời điểm hiện tại khi Hoa Kỳ đang quay lưng với các các hiệp định thương mại mới cũng như sẵn có.
Trích dẫn nguồn thông tin điện tử: Nhã Hân chuyển ngữ theo logisticsmgmt.com, “Logistics Đông Nam Á: Chung tay cùng xây dựng”, xem tại: http://www.vlr.vn/vn/news/img/chuoi-cung-ung/3268/logistics-dong-nam-a-chung-tay-cung-xay-dung.vlr (ngày 31 tháng 8 năm 2017)