Ngành hàng không toàn cầu nhất trí mục tiêu giảm 5% khí thải vào năm 2030

Ngành hàng không toàn cầu nhất trí mục tiêu giảm 5% khí thải vào năm 2030

Ngành hàng không toàn cầu nhất trí mục tiêu giảm 5% khí thải vào năm 2030

Theo Reuters, cuộc họp của hơn 100 quốc gia hôm 24/11 vừa qua đã nhất trí mục tiêu tạm thời về giảm phát thải từ ngành hàng không toàn cầu vào năm 2030 bằng cách sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn, mặc dù Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác bày tỏ lo ngại về tác động đối với nền kinh tế của họ.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết mục tiêu được đưa ra sau năm ngày đàm phán – với các cuộc thảo luận do Liên hợp quốc dẫn đầu – tại Dubai, kêu gọi giảm 5% lượng khí thải carbon thông qua việc sử dụng những năng lượng sạch hơn như nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) vào năm 2030. Một dự thảo trước đó đặt mục tiêu là 5-8%.

Đại diện của Mỹ phát biểu trong phiên bế mạc cuộc họp được tổ chức trước Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu COP28 vào tuần tới rằng mục tiêu này đã gửi một “tín hiệu rõ ràng và tích cực” tới cộng đồng tài chính – cộng đồng cần phải đầu tư vào các dự án năng lượng sạch mới.

Ngành hàng không chiếm khoảng 2 – 3% lượng khí thải carbon toàn cầu. SAF là chìa khóa để giảm lượng khí thải đó, nhưng loại nhiên liệu này rất tốn kém và chiếm chưa đến 1% tổng lượng nhiên liệu máy bay trên toàn cầu.

Ông Mauricio Ramirez Koppel, đại diện ICAO từ Colombia, quốc gia đang tìm cách sản xuất SAF từ các nguyên liệu như dầu cọ, cho biết mục tiêu 5% “sẽ khởi động và đẩy nhanh tiến độ các dự án SAF” bằng cách cung cấp cho nhà đầu tư một mục tiêu rõ ràng.

“Hiện tại, cộng đồng tài chính và lĩnh vực năng lượng phải hỗ trợ cơ sở hạ tầng cần thiết và bắt đầu cung cấp SAF với số lượng ngày càng tăng”, ông Haldane Dodd, Giám đốc Điều hành của Nhóm Hành động Vận tải Hàng không, đại diện cho các nhà sản xuất khung máy bay và động cơ, cùng những người khác, cho hay.

Hàng không không nằm trong phạm vi trực tiếp của Hiệp định Paris về Chống Biến đổi Khí hậu, nhưng ngành vận tải hàng không trước đây đã cam kết hướng tới các mục tiêu toàn cầu bằng cách đặt ra mục tiêu “đầy khát vọng” – mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bằng cách tập hợp rộng rãi các quốc gia tham gia COP28, các nhà phân tích cho rằng các cuộc đàm phán hàng không trong tuần này đã mang lại cái nhìn tổng quan về phạm vi hợp tác xa hơn.

Thỏa thuận này diễn ra sau những tranh cãi về cách diễn đạt, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ mà châu Phi và các nền kinh tế mới nổi khác muốn cho phép họ tăng cường năng lực sản xuất SAF.

Một số quốc gia đã nói rõ sự bảo lưu ý kiến của họ.

Trung Quốc, quốc gia đã nhất trí hướng tới mục tiêu trung hòa lượng carbon vào năm 2060 thay vì năm 2050, cho biết mục tiêu giảm 5% lượng khí thải vào năm 2030 sẽ đẩy chi phí vận hành của các hãng hàng không tăng lên rất nhiều và có thể “phân biệt đối xử với các nước đang phát triển” – gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng và lương thực.

Saudi Arabia và Iraq, hai nhà sản xuất dầu lớn ở Trung Đông và thành viên OPEC, phản đối cả mục tiêu và thời hạn [cắt giảm khí thải].

Các nhà bảo vệ môi trường cho biết thỏa thuận thiếu hiệu lực vì nó không mang tính ràng buộc và sẽ cho phép các hãng hàng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch có hàm lượng carbon thấp hơn.

“ICAO không có thẩm quyền thực thi mục tiêu này, nên mục tiêu có thể sẽ ‘tan thành mây khói’”, ông Jo Dardenne, Giám đốc Hàng không của Tập đoàn Vận tải & Môi trường có trụ sở tại Brussels, cho biết. “Không rõ cần sản xuất bao nhiêu và loại nhiên liệu nào để đạt được mục tiêu 5% này trên toàn cầu”.

Ngành hàng không ước tính sẽ cần từ 1.450 tỷ USD đến 3.200 tỷ USD cho phát triển vốn SAF để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của ngành.

Tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn cho các nước đang phát triển – một mục tiêu khác của hội nghị – là cần thiết để tăng cường sản lượng của SAF bên ngoài các khu vực như Mỹ và châu Âu.

Ông Francis Mwangi, cán bộ lập kế hoạch cấp cao tại Cơ quan Hàng không Dân dụng Kenya, cho biết Kenya cần tài chính để nghiên cứu lợi ích kinh tế của việc sản xuất SAF trong nước và sử dụng một cơ sở lọc dầu cũ ở Mombasa để sản xuất nhiên liệu.

“Chúng tôi sẵn sàng di chuyển và sản xuất SAF ở Kenya”, ông Mwangi nói với Reuters trước hội nghị.

Nguồn tin: https://baodautu.vn/nganh-hang-khong-toan-cau-nhat-tri-muc-tieu-giam-5-khi-thai-vao-nam-2030-d203861.html