Theo Precedence Research, quy mô thị trường logistics toàn cầu đạt 7.980 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 18.230 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ CAGR là 10,7% từ năm 2023 đến năm 2030. Trong đó, thị trường logistics Bắc Mỹ được định giá 1.900 tỷ USD vào năm 2022. Châu Á – Thái Bình Dương không chỉ là thị trường hậu cần lớn nhất (đạt 3.400 tỷ USD vào năm 2022) mà còn là thị trường tăng trưởng nhanh nhất (CAGR 11,9% trong giai đoạn dự báo).
Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, thị trường logistics của châu Phi dự kiến đạt 19,9 tỷ USD vào năm 2023, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, sự gia tăng của các nền tảng kỹ thuật số và dịch vụ hậu cần theo yêu cầu cũng mang đến nhiều giải pháp và cơ hội cho các công ty.
Thị trường logistics toàn cầu nhiều tiềm năng
Sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã cách mạng hóa hậu cần, dẫn đến nhu cầu về dịch vụ giao hàng chặng cuối tăng vọt. Chỉ riêng năm 2020, doanh số thương mại điện tử toàn cầu đạt khoảng 4.280 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2019. Các công ty như Amazon.com đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng này với chương trình Prime cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng cho hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu giao hàng chặng cuối ngày càng tăng, các công ty hậu cần ngày càng đầu tư vào những giải pháp sáng tạo như xe tải giao hàng chạy điện, máy bay không người lái và xe tự hành. Hơn nữa, đổi mới công nghệ cũng làm thay đổi ngành logistics, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm của khách hàng.
Đơn cử, Deutsche Post AG – tập đoàn đến từ Đức đã tận dụng các cảm biến IoT để giám sát các lô hàng nhạy cảm với nhiệt độ trong thời gian thực, đảm bảo tính toàn vẹn của dược phẩm và hàng hóa dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Tương tự, FedEx Corporation sử dụng thuật toán tối ưu hóa lộ trình do AI cung cấp để giảm thiểu thời gian giao hàng và mức tiêu thụ nhiên liệu.
Cũng theo báo cáo, thị trường tự động hóa hậu cần toàn cầu dự kiến đạt 95,9 tỷ USD vào năm 2027, được thúc đẩy bởi việc tăng cường áp dụng các giải pháp tự động hóa trên khắp các nhà kho, trung tâm phân phối và đội vận tải.
Bên cạnh đó, tính bền vững về môi trường cũng trở thành ưu tiên của ngành hậu cần khi các công ty thực hiện các sáng kiến xanh để giảm lượng khí thải carbon và giảm thiểu tác động đến môi trường. Tập đoàn FedEx đã áp dụng chiến lược “Giảm thiểu, Thay thế, Cách mạng hóa” để giảm tác động đến môi trường. Cách tiếp cận này tập trung vào việc giảm lượng khí thải thông qua máy bay và phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu sinh học và điện, đồng thời cách mạng hóa ngành hậu cần thông qua đổi mới và áp dụng công nghệ. FedEx đặt mục tiêu đạt được các hoạt động trung hòa carbon trên toàn cầu vào năm 2040.
Ngoài ra, theo khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng, 75% công ty gặp phải tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19. Để tăng cường khả năng phục hồi, các công ty đang tích cực áp dụng các công nghệ như blockchain và AI nhằm cải thiện khả năng hiển thị và giảm thiểu rủi ro.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tang-truong-logistics-toan-cau-du-kien-tren-10-4721693.html?fbclid=IwAR3NMCKEnJ3pwadsk-_py9Pmq-50nmdGpdT31EXvZKhZUoyoZHdl5H3uChg